12/01/2014

Thư gởi Liên Hợp Quốc nhân 40 năm Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa


Người dân Việt Nam và công dân từ khắp nơi trên thế giới


Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Ban Pháp quyền Liên Hợp Quốc
Uỷ  ban 1 của Liên Hợp quốc (Giải trừ quân bị và An ninh Quốc tế )
Tòa án Công lý Quốc tế

19 tháng 1 năm 2014
Kính thưa Quý Bà, Quý Ông,
19 tháng 01 năm 2014 đánh dấu 40 năm ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng sức mạnh quân sự  để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng và phức tạp ở Biển Đông và ở Biển Hoa Đông, đặc biệt sau khi Trung Quốc đơn phương thành lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông chúng tôi mong muốn nhắc lại với các Quý Vị về sự kiện xảy ra 40 năm trước đây. Hy vọng rằng sự kiện lịch sử bi thương này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hiện tại và từ đó dự báo về một tương lai tốt hơn, nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn. Tiếp đó, chúng tôi cũng muốn khẳng định tầm quan trọng của việc thượng tôn luật pháp quốc tế – nền tảng của hòa bình và phát triển thịnh vượng. Thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc tế là sứ mệnh trọng tâm của Liên Hợp Quốc. Là những công dân của thế giới, chúng tôi nhận thức được cần phải chia sẻ một phần trách nhiệm vô cùng lớn lao và quan trọng này.

Theo nhiều bằng chứng lịch sử, trước thời kỳ thực dân Pháp vào năm 1884, Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, mà không có bất kỳ sự phản đối nào từ bất kỳ quốc gia nào trong suốt hai thế kỷ. Trong thời kỳ thực dân Pháp, nước Pháp  đã thực thi rõ ràng và mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Trong thời kỳ hậu thực dân và những năm Chiến tranh Việt Nam, từ 1956 đến 1975, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền ở hai bên vĩ tuyến 17 theo các Hiệp định Giơ-ne-vơ. Quần đảo Hoàng Sa, nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, đương nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ của Việt Nam Cộng hòa luôn luôn biểu hiện rõ ràng và cụ thể các hoạt động và hành vi nhằm duy trì chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và đã đóng quân tại đây ngay sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương.
Vào ngày 15 tháng 01 năm 1974, chỉ chưa đầy một năm sau khi ký kết Hiệp định hoà bình Paris hạn chế sự hiện diện của Quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã đổ quân xuống các đảo phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa (nhóm Trăng Khuyết) và trong vài ngày sau đó tăng cường triển khải lực lượng Hải quân.
Vào ngày 19 và 20 tháng 01 năm 1974, Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng toàn bộ quần đảo sau trận chiến ác liệt với Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Trước hành vi sử dụng vũ lực một cách trắng trợn này, Quan sát viên của Việt Nam Cộng hoà tại Liên Hợp Quốc đã yêu cầu đưa vụ việc này ra Hội đồng Bảo an. Trong một công hàm ngoại giao gởi đến các bên ký kết Hiệp định hoà bình Paris, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an triệu tập một phiên họp đặc biệt để xem xét vụ việc này. Tuy nhiên, Trung Quốc, với quyền phủ quyết của mình, đã ngăn chặn tất cả những nỗ lực nhằm mở một cuộc thảo luận về vụ việc này tại Hội đồng Bảo an.
Nước Việt Nam thống nhất sau 1975, luôn liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Bất chấp những phản đối của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và xây dựng trên đó nhiều cơ sở hạ tầng đáng kể.
Hành động quân sự của Trung Quốc năm 1974 xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng những biện pháp hòa bình. Nguyên tắc này, được quy định lần đầu tiên vào năm 1928 trong Hiệp ước Briand-Kellogg, sau đó đã được long trọng tái khẳng định nhiều lần trong các  văn kiện pháp lý nền tảng của Liên Hợp Quốc. Tuyên bố năm 1970 về các Nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia đã khẳng định một cách rõ rằng [m]ỗi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm sự tồn tại của một quốc gia khác hoặc để giải quyết tranh chấp quốc tế về các đường biên giới quốc tế, bao gồm các tranh chấp về  lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến đường biên giới của các quốc gia. “
Tuy nhiên chúng ta không thiếu các biện pháp có thể đưa đến một giải pháp hoà bình cho tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, một trong những biện pháp hòa bình đó là đưa tranh chấp này ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế. Thế nhưng Trung Quốc đã hoàn toàn làm ngơ trước mọi đề xuất theo hướng này. Nếu như Trung Quốc không ngừng khẳng định họ có bằng chứng rất mạnh về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, tại sao họ lại không đồng ý đưa tranh chấp này ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế, tổ chức quốc tế thích hợp nhất để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia?
Đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,  mà chức năng chính liên quan đến tranh chấp này được quy định tại Điều 33 (và rộng hơn là trong Chương VI) của Hiến chương, cũng có thể là một biện pháp để đưa đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp.
Nhưng một lần nữa, Trung Quốc đã ngăn ngừa bất kỳ ý định nào ​​đưa vấn đề này ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an, cụ thể là năm 1974, hoặc sau đó là năm 1988 khi Việt Nam có cố gắng tương tự đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an.
Sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, từ chối đàm phán hoặc phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế, rõ ràng không phải là những hành vi  và cách hành xử có lợi cho một thế giới hòa bình và ổn định.
Do đó, chúng tôi kiên quyết kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và chấp nhận đưa tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa ra phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Thế giới đã chứng kiến ​những đau khổ khủng khiếp trong quá khứ khi các quốc gia, vì lợi ích riêng của họ, không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Không ai muốn điều đó tái diễn.
Ngày 19 tháng 01 năm 2014 đánh dấu 40 năm việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đây cũng là dịp để cả thế giới nhìn lại sự kiện này và cũng là dịp để Trung Quốc có thể sửa chữa sai lầm của mình trong quá khứ.
Hãy cùng chúng tôi làm tất cả cho một thế giới hòa bình, ổn định và công bằng, và chúng ta chỉ có thể xây dựng một thế giới như vậy khi mỗi quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trân trọng,
Người dân Việt Nam và công dân từ khắp nơi trên thế giới

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire