19/06/2014

Thư Trần Huỳnh Duy Thức viết trong trại giam Xuyên Mộc ra ngày 28/05/2014

Tiến Trung Nguyễn: Rất cảm động khi đọc được thư của anh Thức. Tin rằng anh sẽ sớm được tự do. Các phân tích của anh khiến mình kinh ngạc. Trong tù mình làm gì được viết thư như thế. Đọc được chữ của anh Thức, biết anh Thức vẫn khỏe là vui rồi. Mong anh em sớm gặp lại.

Trần Huỳnh Duy Thức

Đây là bức thư mới nhất gia đình chúng tôi nhận được (viết ngày 28/05/2014). Như những bức thư trước, nội dung như thường lệ Thức hỏi thăm tình hình mọi người, trong bức thư này Thức có nhận định về tình hình Việt Nam trước họa xâm lược từ Trung Quốc trong đoạn trích sau trong toàn bộ bức thư:
Xuyên Mộc 28/05/2014
Chị Năm thương mến,

Hôm qua em mới nhận được bức thư mà chị viết ngày 16/03/2014. Lâu ghê, nhưng em rất vui. Trong này đọc được thư gia đình là một niềm vui lớn. Em vẫn khỏe. Trời đã vào mùa mưa nên không còn nóng liên tục như trước, em cũng năng tập thể dục hơn. Dạo này em lấy hai chai nước làm tạ tập, thấy cũng có tác dụng. Hồi ở Xuân Lập em có tập thiền nhưng không bao giờ thiền được. Đầu óc em hình như không bao giờ chịu ngừng suy nghĩ trừ lúc ngủ. Mà lúc ngủ nó cũng làm việc nữa thì phải. Rất nhiều lần em suy nghĩ gì đó đến tối vẫn không ra nhưng qua một đêm tỉnh dậy thì lại sáng ra mọi thứ. Có lẽ vì vậy mà em rất hay nằm mơ khi ngủ, nhất là từ lúc vào tù. Trong tù mà còn không thiền được thì ra ngoài khó mà làm được. Nhưng nếu mục tiêu chính của thiền là giúp con người ta tĩnh tâm, thì em thấy mình vẫn làm được mà không phải thiền. Cả nhà yên tâm, em có những cách cân bằng tinh thần, trí óc của mình rất hiệu quả. Khi còn chưa đi tù, em thấy khả năng cân bằng này của mình hơn nhiều người tập thiền lâu năm. Nhiều người tập thiền bị rơi vào trạng thái tĩnh tại thụ động, đó là điều không tốt.

Đọc thư chị em biết thêm nhiều chuyển động tích cực về vấn đề Quyền Con Người ở nước mình. Em đã từng dự đoán và luôn tin chắc rằng Việt Nam sẽ hướng về Dân Chủ. Tránh biến mình thành điểm tranh chấp Đông – Tây là điều rất quan trọng đối với Việt Nam. Những tranh chấp như vậy dẫn đến chiến tranh là khó tránh khỏi. Thế giới ngày nay chẳng còn mấy quan tâm đến hơn thua giữa những thứ gọi là tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa. Điều quan tâm hàng đầu của người dân thế giới này là dân chủ - hòa bình, do vậy họ phải nỗ lực chống lại sự độc tài và hiếu chiến. Động lực đấu tranh để loại trừ nhau về ý thức hệ chủ nghĩa hầu như không còn tồn tại trong thế giới ngày nay. Thay vào đó là những nỗ lực lớn vì một thế giới hòa bình thịnh vượng. Mà lịch sử một thế kỉ qua cho thấy, độc tài sẽ dẫn đến hiếu chiến rồi gây chiến, còn sự dân chủ sẽ dẫn đến thịnh vượng và hạn chế hoặc chống lại chiến tranh. Nga và Trung Quốc theo đuổi những ý thức hệ chủ nghĩa khác nhau nhưng đều là hai thể chế có tính chất độc tài dù khác nhau về hình thức, cả hai nước này đều đang tạo ra những nguy cơ lớn cho nền hòa bình thế giới. Những vấn đề ở Ucraina hay những gây hấn trên biển Đông, Hoa Đông chỉ mới là sự bắt đầu. Chúng cho thấy một cách thức nguy hiểm mà hai nước này sử dụng, đó là kích động tinh thần dân tộc cực đoan để tạo sự ủng hộ đối với chế độ độc tài. Điều tương tự như vậy đã từng xảy ra ở Đức và Nhật rồi dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 2. Nguy cơ này lại càng rõ khi Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn sau khi Nga bị phương Tây cô lập, cấm vận. Từ nhiều năm trước em đã nghĩ đến nguy cơ này và kỳ lạ em luôn có một niềm tin đặc biệt mà không thể nào loại nó ra khỏi đầu óc của mình được. Đó là Việt Nam có sứ mạng thiêng liêng để hóa giải nguy cơ này mang lại hòa bình cho nhân loại. Trước đây nhiều người không đồng tình với em vì tin rằng Việt Nam chắc chắn sẽ đi theo quỹ đạo của Nga và Trung Quốc. Chắc hẳn là họ sẽ phải đổi ý khi mà Trung Quốc kéo đặt giàn khoan HD 981 vào thềm lục địa của Việt Nam cách đây gần một tháng. Và họ cũng không thể lý giải nổi vì sao Trung Quốc lại làm như vậy – một đòn phá hoại mang tình chiến lược.

Việt Nam mình ra sức ca ngợi Nga sát nhập Crime. Nhưng khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam thì nước Nga không một lời bảo vệ mà còn gây bất lợi cho mình. Những nước anh em như Lào, CPC, Cuba cũng chẳng thấy tăm hơi đâu. Em tin chắc rằng chính sạch ngoại giao của Việt Nam ta sẽ phải thay đổi căn bản và rất nhanh chóng. Đã đến lúc phải cho thế giới thấy Việt Nam đứng về phía lẽ phải, chính nghĩa chứ không phải theo “bè phái” vì quyền lợi cục bộ hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Càng không phải là đứng về phía này để chống lại phía kia. Việt Nam phải làm cho thế giới tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta thực sự yêu hòa bình và sẽ nổ lực không mệt mỏi vì hòa bình cho nhân loại. Muốn vậy Việt Nam phải nhanh chóng nổi bật lên là hình mẫu trong việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đảm bảo trên hết quyền con người theo đúng chuẩn mực được nhân dân trên thế giới thừa nhận. Đây là lực lượng đông đảo và rất yêu chuộng hòa bình. Họ đã đủ trải nghiệm để hiểu và tin rằng nên tảng vững chắc cho nền hòa bình thế giới chính là sự tôn trọng và bảo vệ hiệu quả quyền con người theo chuẩn mực chung phổ quát. Và trên một nên tảng như vậy, Việt Nam cần phản đối mạnh mẽ hành động của bất kì nước nào đe dọa, xâm phạm đến hòa bình thế giới, ủng hộ quyết liệt bất kì nỗ lực nào nhằm dập tắt nguy cơ chiến tranh cho nhân loại. Khi đó nhân dân tiến bộ trên thế giới sẽ hết lòng ủng hộ Việt Nam, và với vị thế địa chính trị Việt Nam thì chính giới của họ sẽ phải mọi giá bảo vệ chúng ta. Đây là một thế trận quốc phòng quan trọng nhất, hiệu quả nhất mà Việt Nam mình hoàn toàn có thể làm được vào lúc này mà không đòi hỏi tốn kém tiền của và đây cũng chính là loại sức mạnh mềm vốn còn thiết yếu hơn sức mạnh cứng của các loại khí tài. Hơn nữa, với sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ có những cơ hội tuyệt với để phát triển kinh tế mạnh mẽ, từ đó sẽ có đủ tiềm lực để củng cố sức mạnh quốc gia, kể cả sức mạnh mềm lẫn sức mạnh cứng. Chuyến tàu vận hội của dân tộc mình chính là đây.

Em cảm thấy vui vì những phát biểu của Việt Nam trước quốc tế mấy ngày qua đã thể hiện những ý tưởng ban đầu của chiến lược trên. Còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua để chiến lược này trở thành xu thế. Những rào cản nội bộ là rất lớn nhưng những tác động tiêu cực từ bên ngoài cũng ảnh hưởng không nhỏ. Điều đáng lo ngại nhất xu hướng vận động sự ủng hộ bằng cách khích động hận thù. Nếu những xu hướng như vậy thắng thế thì sẽ không có một sự thay đổi tốt đẹp nào xảy ra cho đất nước, sẽ lại lỡ chuyến tàu vận hội như bao lần trong cả ngàn năm qua. Tâm thức chiến tranh vẫn sẽ chi phối hành động, hành xử của dân tộc Việt Nam và vì vậy mà đất nước sẽ khó tránh được những cuộc chiến. Khích động hận thù là một sản phẩm không thể tránh khỏi của tâm thức chiến tranh. Sản phẩm này lại khó từ chối được bạo lực hay những đòi hỏi xóa bỏ hoặc phủ định những gì khác với mình. Vì vậy mà nó cũng dễ được tung hô bởi những quan điểm cực đoan. Nên một số người cũng khó tránh được bị say men được tung hô để trở thành thủ lĩnh nhằm đáp ứng nhu cầu ca tụng của người khác. Em đã quan sát rất nhiều trường hợp như vậy từ cổ chí kim, từ Á sang Âu. Hầu hết đều dẫn đến bi kịch cho chính mình. Những trường hợp hiếm hoi dẫn đến thành công cho mình thì lại tạo nên bi kịch cho đất nước. Ở trong này em không có đủ thông tin nhưng em biết rằng trong một bối cảnh như hiện nay và với một tâm thức chiến tranh còn phổ biến trong nhiều người Việt thì đương nhiên sẽ nổi lên xu hướng kích động hận thù để thay đổi hoặc chống thay đổi. Do vậy sẽ chẳng thể dẫn đến điều gì tốt đẹp được. Một ví dụ gần đây nhất chị có thể thấy được là Ai Cập, liên tục có những cuộc thay đổi và chống thay đổi diễn ra đầy bạo lực và đẫm máu, kết quả cuối cùng là phải có một chế độ độc tài khác ra đời thì mới ổn định được tình trạng. Điều có thể nguy hiểm hơn là chế độ độc tài này lại được chính người dân bầu chọn vì họ đã quá mệt mỏi với sự bất ổn. Ông Morsi thì đang nhận lấy bi kịch cho chính cuộc đời mình, còn ông Alsisi thì chắc sẽ khó tránh khỏi những bi kịch sẽ xảy đến cho Ai Cập sắp tới.

Em định viết những điều trên cho ba, nhưng đọc thư chị viết có cảm hứng nên viết luôn một lèo, hê hê. Chị đưa cho ba đọc dùm em vậy. Trong tình hình bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay, Việt Nam không thể không thay đổi. Với những gì đã đánh đổi và chịu mất mát hình ảnh trước quốc tế sau khi hạ đặt HD 981 thì cái mà Trung Quốc muốn có không chỉ là 1 cái giàn khoan. Em tin là họ sẽ liều lĩnh triển khai hải quân để kiểm soát toàn bộ mặt biển Đông của Việt Nam, đặt quốc tế vào chuyện đã rồi như Nga sát nhập Crime. Quân lực chúng ta không đủ sức để ngăn cản sự liều lĩnh đó. Nếu Việt Nam không thay đổi nhanh chóng để có được một thế trận quốc phòng toàn cầu như trên thì sẽ bị Trung Quốc khống chế bằng vũ lực. Họ đang khiêu khích để hi vọng tìm ra được một cái cớ để làm điều này. Nếu không thay đổi thì kinh tế Việt Nam sẽ mãi trì trệ như hiện nay. Ông Dũng đã thừa nhận tương tự như vậy trong thông điệp đầu năm và xác định rất đúng là mục tiêu và chiến lược thay đổi là về Quyền Con Người. Thực hiện được mục tiêu chiến lược này thì Việt Nam vừa tăng trưởng được kinh tế bền vững vừa xây dựng được thế trận quốc phòng toàn cầu để bảo vệ quốc gia. Đây cũng là nguyên tắc cốt lõi của hiến chương LHQ:
“Quyền con người là nên tảng phát triển vững chắc cho sự phát triển thịnh vượng và hòa bình của thế giới, cũng chính là nguyên tắc và mục tiêu căn bản để xây dựng luật pháp quốc tế."
Đã 5 tháng trôi qua, mục tiêu chiến lược nói trên đã tiến triển khá chậm chạp. Nhưng em tin là nó sẽ tiến triển nhanh chóng khi Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam vừa rồi, dù lực cản cũng vì vậy mà tăng lên. Thái độ phía Việt Nam đối với những đề cập về nhân quyền của phái đoàn Mỹ do Thượng Nghị Sĩ Benjamin Cardin vào thăm Việt Nam hôm qua có khác và tích cực hơn những chuyến thăm trước vào giữa tháng 4 của Thượng Nghị Sĩ Mỹ Pattrick Leaky. Xem TV hôm qua em thấy Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng tiếp ông B.Cardin và tiếp nhận những đề nghị về nhân quyền của ông ấy bằng những lời mạnh mẽ như “sẽ nỗ lực hết sức để giải quyết” hay “sẽ phối hợp chặt chẽ để giải quyết”. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng có thông báo với báo chí bằng những lời lẽ thiện cảm, thông hiểu dành cho đối thoại nhân quyền Viêt-Mỹ vòng 18 tại Washington hôm 11-12/05/2014, khác hẳn những lần trước. Những lời lẽ trên báo xen lẫn những vận động trên báo xem những vận động nhân quyền là “sự can thiệp nội bộ” đã giảm xuống đáng kể. Em nghĩ ngoài việc cần tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trước sự ngang ngược của Trung Quốc và để Mỹ bán vũ khí sát thương cho Việt Nam tự vệ, còn có sự thay đổi nhận thức của giới chức Việt Nam về nhân quyền. Họ đã hiểu và tin hơn rằng Mỹ cũng như các quốc gia tiến bộ luôn gắn vấn đề Nhân Quyền trong hợp tác vì các nước này tin rằng Quyền Con Người mới là sự đảm bảo lâu dài cho hòa bình và những quan hệ tốt đẹp về kinh tế, xã hội, văn hóa. Người ta chẳng hơi sức nào vận động cho nhân quyền chỉ vì đó là “lý tưởng” của họ. “Đòn Giáng” HD 981 của Trung Quốc dù có chủ ý là làm Việt Nam “dạt xa” quyền con người để lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, nhưng em tin nó sẽ càng thúc đẩy niềm tin và sự hiểu biết tích cực nói trên phát triển nhanh chóng, đẩy Việt Nam hướng về phía dân chủ. Đây chính là xu thế tích cực vĩ đại mà em viết cho ba trong bức thư 16A (đầu tháng 4).

Đây cũng chính là thời điểm để quyết định nó là khoảnh khắc lịch sử vĩ đại hay bị lịch sử nguyền rủa. Việt Nam sẽ trở thành viên ngọc sáng của thế giới về dân chủ để được thịnh vượng, văn minh và đóng góp quan trọng cho nền hòa bình thế giới hay là “nhận lấy thứ hòa bình hữu nghị viễn vông, lệ thuộc” và đẩy thế giới vào chiến tranh. Em luôn có niềm tin đặc biệt vào vế trước, nhưng em cũng luôn ý thức rõ những nguy cơ để cái sau thắng thế, trong đó có những xu hướng cực đoan hận thù nói trên. Do vậy em viết thư này mong Ba và gia đình tuyệt đối tránh xa những xu hướng như vậy. Với quan hệ rộng rãi của mình, em tin ba có thể vận động thúc đẩy cho xu hướng tích cực vĩ đại phát triển như em đã nói với ba trong thư trước. Không biết tình hình ở ngoài mọi người nghĩ thế nào chứ em thấy đang rất nguy cấp. Việt Nam cần tranh thủ từng cơ hội hiếm hoi trên các diễn đàn và hợp tác đa phương quốc tế thì mới xoay chuyển được cuộc thế.

Sáng nay em cầu nguyện cho anh Tư, hôm qua điện thoại cho chị nghe ảnh mổ ung thư mà buồn quá, chẳng làm gì được ngoài cầu cho ảnh vượt qua và bình an. Gà mới gáy nhưng trời còn tối, tiếng chim và côn trùng vang vọng làm em thấy nhớ nhà quá...

1 commentaire:

  1. Hãy thả Thức ra, một người thông minh, có tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Một người có tâm với nước và không có khả năng lật đổ chế độ này đâu. Dù Thức có viết được "hịch tướng sỹ đi chăng nữa". Mình học chung với Thức từ cấp 3 tới đại học nhưng sau đó mình rời bách khoa đi học trường khác. Ngày đó trường mình học ra trường là đi tây nên mình mê.
    Ngày Thức bị bắt là sinh nhật mình nên mình nhớ đã gọi cho thằng bạn cũng biết Thức, thằng bạn là công an. Mình nói mày xem sao chứ Thức bị tội trốn thuế mà trăm triệu là gì với Thức lúc đó. Hơn nữa Thức có cả triệu đô hoặc hơn thì ai lại trốn thuế như vậy. Ai dè, Thức bị bắt vì tội khác như mọi người thấy. Mà tội này hơi bị nâng bi.
    Cuối cùng thằng bạn và mình cũng chẳng thể nào giải cứu Thức được. Sau này mấy đứa biết nhau và biết Thức hay nói chuyện. Công nhận bạn mình trí lớn, nhưng làm người ai làm thế. Đang trong tay đạt triệu phú us, tạo công ăn việc làm cho cả bao trăm người. Ngành nghề lại công nghệ thông tin, đinh của đỉnh. Bức xúc cái giề lại âm mưu làm cách mạng. Dấn thân chốn tù đày, quá khổ.
    Đúng là tài, tâm nhưng thiếu tầm. Tầm ở đây là những góp ý khủng cưa Thức như thể là "đường cách mệnh" ngày xưa, bố ai chịu nổi. Sợ phát khiếp, bắt, nhốt khẩn trương.
    Thấy tội bạn quá, giá ngày đó nó tâm sự với nhóm mình hay với mình hoặc rủ mình tham gia thì đã khác. Chăc nó không thân mình nên không rủ rê hoặc nó không nghĩ mình sẽ ủng hộ nó vì đâu đó có lúc mình khuyên rằng. Mấy bạn bức xúc cái gì, mất mát cái gì. Tôi đây không bức xuc thì thôi, không phê phán thì thôi chứ mấy ông cửa gì. Bên đó nói ông nói được vì ông bên thắng cuộc (huy đức). Mình nói, biết thế thì trật tự đi, đừng thấy mình phi, bạn phi theo, công an nó bắt can không kịp đâu. Ai dè chuyện đó thành sự thật.
    Nay thời thế khác, mong sao thả Thức ra. Thức cũng là người trong một nước mà. Quan trọng là Thức cùng đồng đội kiểu gì cũng không thể lật đổ được chính quyền này đâu. Bạn tin chứ!

    RépondreSupprimer