21/01/2015

Truyền thông Nhà nước cần phải làm gì để cho người dân tin?


Anh Vũ, thông tín viên RFA

Trang mạng Chân Dung Quyền Lực, ngày 15 tháng 1, 2015 RFA screen capture

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kêu gọi cơ quan nhà nước phải có tư duy mới về thông tin, theo ông "ta không cấm, không ngăn được mà quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời, từ đó tạo niềm tin”. Truyền thông của Đảng CSVN cần phải làm thế nào để tạo niềm tin cho dân chúng?
Những ngày này, sự xuất hiện của trang blog Chân dung Quyền lực với các thông tin thâm cung bí sử về nội bộ ban lãnh đạo VN, đã làm cho truyền thông nhà nước lâm vào sự khủng hoảng thực sự.


Trước thực trạng đó, ông Lê Như Tiến, Phó CN Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã cho rằng " Việc xử lý bị động, chậm trễ đáp trả của cơ quan có trách nhiệm vô hình chung giúp các thông tin độc hại, sai trái len lỏi vào các ngóc ngách của dư luận, làm hoang mang trong xã hội."

Không cấm việc đưa thông tin?

Ngày 15.1.2014 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các cơ quan nhà nước phải có tư duy mới về thông tin. Theo đó, ông Thủ tướng đã cho rằng: "Làm sao để có thông tin đúng đắn, ta không cấm, không ngăn được mà quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời, thì người dân mới có lòng tin."
Làm sao để có thông tin đúng đắn, ta không cấm, không ngăn được mà quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời, thì người dân mới có lòng tin
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Bình luận về ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ Hà nội blogger JB. Nguyễn Hữu Vinh cho chúng tôi biết suy nghĩ của ông. Ông nói:

"Lời tuyên bố vừa qua (của Thủ tướng) là phải xác thực, là phải nhanh chóng chính xác thì cũng giống như phát biểu của ông cách đây hơn một năm, rằng phải có những luật lệ nọ kia, hay dân được làm những điều pháp luật không cấm; công chức chỉ làm những điều pháp luật cho phép chẳng hạn. Nhưng sau những tuyên bố đó thì những bloggers, những người thể hiện các tiếng nói riêng của mình vẫn bị bắt, vẫn bị giam giữ và vẫn bị này khác dưới quyền của ông Thủ tướng này."
Đánh giá về sự xác thực của các thông tin do nhà nước cung cấp cho người dân trong thời gian qua, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng do truyền thông nhà nước mang tính độc quyền và bị dùng để tuyên truyền nên họ đã không làm đủ vai trò của một nền truyền thông đúng nghĩa.

Từ Nha trang, Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét:

“Kể cả những việc quan trọng nhất đến những việc nhỏ nhất thì theo tôi đánh giá là (lãnh đạo) đã quá dè dặt, quá nghi kỵ và rất sợ hãi. v.v… Điều đó nó dẫn đến tình trạng thông tin ít, không đầy đủ và sai lệch. Phần đúng đắn có chứ không phải là không, nhưng không nhiều lắm nó chiếm một tỷ trọng rất thấp. Hiện nay, với sự tiến bộ của KHKT và dân trí thì điều đó sẽ không bao giờ có kết quả được và sẽ ngoài ý muốn của các vị đó"
Blogger JB. Nguyễn Hữu Vinh thấy rằng việc tuyên truyền một chiều và cung cấp thông tin thiếu chính xác đã ảnh hưởng đến lòng tin của người dân. Ông nói với chúng tôi:

"Hệ thống truyền thông ở VN hiện nay nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, do vậy những thông tin mà nó đưa đến cũng chỉ phục vụ cho một mục đích một chiều đó là duy trì sự tồn tại, tuyên truyền của Đảng CSVN. Vì thế nó chưa làm được cái việc tạo niềm tin cho nhân dân theo như nhu cầu của người dân. Tôi thấy rằng nó chưa đáp ứng được yêu cầu đó.”
Trả lời câu hỏi một khi truyền thông nhà nước có vai trò tuyên truyền và định hướng dư luận, thì có thể đưa thông tin đúng, chính xác và kịp thời được không?
Hệ thống truyền thông ở VN hiện nay nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, do vậy những thông tin mà nó đưa đến cũng chỉ phục vụ cho một mục đích một chiều đó là duy trì sự tồn tại, tuyên truyền của Đảng CSVN. Vì thế nó chưa làm được cái việc tạo niềm tin cho nhân dân
JB. Nguyễn Hữu Vinh
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết, bản chất của truyền thông CS là tuyên truyền nhằm định hướng tư tưởng của người dân để phục vụ cho việc cai trị độc đảng. Ông cho biết:

"Tôi với tư cách một người làm truyền thông và người dân cũng vậy họ mong mỏi có toàn bộ thông tin một cách đầy đủ, khách quan, trung thực và kịp thời. Tôi thấy rằng nếu là truyền thông hay báo chí đúng nghĩa thì không có chuyện định hướng, đã định hướng thì không còn là truyền thông hay báo chí nữa. Mà đấy là tuyên truyền, mà đã là tuyên truyền thì không bao giờ có chuyện chính xác, kịp thời, đầy đủ và khách quan được.”

Làm sao tạo niềm tin cho dân chúng

Khi được hỏi nhà nước cần có các biện pháp và việc làm cụ thể như thế nào để có thể giành lại niềm tin của người dân?

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng sự thật chỉ có một, là điều không thể bưng bít được mãi và tác hại của sự bưng bít là không lường hết được. Truyền thông nhà nước lâm vào khủng hoảng lần này cũng vì do bưng bít.

Nhà báo Võ Văn Tạo cho hay:

"Nếu anh dối trá thì sự thật nó vẫn lòi ra, hay nếu anh có che dấu thì sự thật nó vẫn lòi ra và khi sự thật đã lòi ra thì anh sẽ mất điểm trong con mắt của công chúng. Nếu các vị lãnh đạo nhà nước VN ở Hà nội có và thấm nhuần được tư duy đó và tôi nghĩ rằng tốt nhất là họ điều chỉnh theo hướng đó để dần dần tiệm cận với cái đó. Đồng thời bớt cái cổ hủ, bớt cái che dấu và bớt cái tuyên truyền sai lệch đi bao nhiêu thì có lợi cho xã hội, nhưng trước hết là có lợi cho chính bản thân họ."
Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng trước nhân dân thì không có chuyện gì được coi là nhạy cảm rồi né tránh, im lặng hoặc thậm chí nói khác đi. Thời đại thông tin bây giờ mà né tránh, im lặng, nói khác đi bản chất của s? việc thì khác nào giao vũ khí cho giặc
ông Nguyễn Túc
Theo báo Thanh niên, ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông thấy rằng: "Nhiều lần tôi nói với những người có trách nhiệm rằng không nên né tránh những gì mà chúng ta thường cho là "nhạy cảm". Càng không nên né tránh các loại thông tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống. Nếu là tôi thì sẽ "chơi bài ngửa", không có úp mở gì."
Blogger JB. Nguyễn Hữu Vinh thấy rằng, mọi thứ đều cần có cạnh tranh, thông tin cũng vậy, theo ông cần phải có tự do báo chí để người dân lựa chọn. Ông nói với chúng tôi:

“Tôi nghĩ rằng đã đến lúc ông (Thủ tướng) phải nói một câu, tốt hơn những câu như là không thể ngăn chặn được bằng những câu khác. Cụ thể là ông hãy nói cho phép báo chí tư nhân được phép tồn tại, được phép phát triển ở VN. Để đảm bảo người dân có tiếng nói và nó sẽ điều chỉnh thông tin xã hội bằng nguyên tắc pháp luật chứ không phải bằng cái cách định hướng bằng nghị quyết, bằng những cái gọi là sự lãnh đạo tuyệt đối nữa. Tôi nghĩ rằng lúc bấy giờ mới có một nền báo chí tự do vì hạnh phúc của nhân dân."
Theo báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Túc ủy viên Đoàn chủ tịch, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội MTTQ VN cho rằng: "Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng trước nhân dân thì không có chuyện gì được coi là nhạy cảm rồi né tránh, im lặng hoặc thậm chí nói khác đi. Thời đại thông tin bây giờ mà né tránh, im lặng, nói khác đi bản chất của sự việc thì khác nào giao vũ khí cho giặc."

"Lật thuyền là dân và nâng thuyền cũng là dân", lòng tin của người dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ gìn ổn định chế độ chính trị dù ở bất kể chính thể nào. Việc tạo điều kiện để xây dựng một nền truyền thông đúng nghĩa, nhằm đưa các thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời đến cho dân chúng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa vụ của mọi nhà nước. Đấy chính là giải pháp tốt nhất để tạo niềm tin cho dân chúng.

Nguồn: Theo RFA


Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire