03/03/2015

Chuyện ông chủ tịch Đà Nẵng “sợ dân không email cho tôi”


 

"Cụ Đào Mộng Long trong một cuộc họp của các cụ hưu trí góp ý kiến cho lãnh đạo địa phương đã nói “ta góp ý làm gì có ai thèm nghe đâu”. Một cụ hỏi lại, sao cụ biết người ta không thèm nghe, cụ Long mới kể, vừa rồi buồn đời cụ viết một thư lên lãnh đạo địa phương thông báo là mình sẽ tự tử, ấy thế mà chả có vị nào ở địa phương tìm đến cụ để khuyên can. Điều đó chứng tỏ rằng bức “huyết thư” của cụ chả có ai đọc cả."
 
Chủ tịch Đà Nẵng công khai email để người dân góp ý nhằm chung tay xây dựng TP.

Trong khi 50% lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh không sử dụng email như một công cụ kết nối và quan hệ công việc và hầu hết các nhà chức trách quyền cao chức trọng không có đường dây nóng nối với dân, nối với truyền thông thì tại Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ chủ tịch thành phố ngay trong những ngày nhận chức đã công bố địa chỉ hộp thư điện tử của mình cùng lời kêu gọi tất cả lãnh đạo ban ngành và địa phương của Đà Nẵng công khai địa chỉ hộp thư điện tử.

Hành động minh bạch mối quan hệ thông tin của tân chủ tịch Đà Nẵng này là sự kế tiếp tấm gương minh bạch thông tin từ ông Nguyễn Bá Thanh rồi ông Trần Thọ, ông Văn Hữu Chiến - những lãnh đạo uy tín của Đà Nẵng.

Sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh không hề là sự chấm dứt vì ông đã để lại một tấm gương sáng về cốt cách trọng dân, nghe dân cho những người kế tục như bí thư đương nhiệm Trần Thọ, người đã nói: “Muốn lắng nghe dân thì chúng ta cần mở rộng cửa đón nhận góp ý của dân hàng ngày, hàng giờ”.

Chính vì thực tâm muốn nghe dân như ông Nguyễn Bá Thanh luôn nghe dân nên ông Thọ đã công khai số điện thoại di động của mình như ông Nguyễn Bá Thanh trước đây cho bàn dân thiên hạ biết mà bất cứ chuyện gì dân bức bối hoặc đóng góp ý kiến xây dựng vừa a lô lập tức có tiếng trả lời.

Ông Trần Thọ tâm niệm: “Đừng nghĩ hành vi của mình dân không biết, không thấy mà muốn làm gì thì làm, chẳng qua dân không thèm nói mà thôi”. Chính vì hiểu tâm tư của người dân khi “không thèm nói ra” là người dân đã không còn niềm tin vào lãnh đạo nữa, mà mất niềm tin là mất tất cả, nên ông Nguyễn Bá Thanh khi là chủ tịch rồi bí thư Đà Nẵng trước đây và ông Trần Thọ bí thư Đà Nẵng hiện nay đã cố gắng trong mọi hoàn cảnh có thể đặt lợi ích của dân lên trên mọi lợi ích khác, đặt dân lên trên mình để mình luôn ngước lên, bước lên với dân chứ không phải như ai đó coi dân là nô bộc mà ban phát những cái liếc xuống.

Chính tinh thần “Tiếng Dân” mà một người con thân yêu của đất Quảng là Huỳnh Thúc Kháng luôn coi là ngọn hải đăng dẫn lối cho mọi tư tưởng, hành động này đã hun đúc thành tinh thần “Trọng Dân” của các thế hệ tiếp theo là nguyên nhân chính tạo nên một hình ảnh mới đầy ấn tượng, đầy sức sống của Đà Nẵng hôm nay.

Đầu năm 2015 này hàng ngàn người dân Đà Nẵng trong nước mắt tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh cũng chính vì cảm mến cái tinh thần “Trọng Dân” ấy mà ông đeo đuổi. Hơn ai hết các vị lãnh đạo hôm nay của Đà Nẵng hiểu cái thông điệp “tiễn biệt nước mắt” ấy của người dân xứ mình để tâm niệm rằng chỉ một giây phút lơ là với lợi ích của dân thôi sẽ phải trả giá rất đắt và ngược lại từng phút giây lo nghĩ và hành động vì dân sẽ có được tình yêu thương vô bờ bến của dân- nền tảng vững bền của một thể chế, của một chính quyền.

Khi ông Huỳnh Đức Thơ chủ tịch mới của Đà Nẵng, một chuyên gia của ngành “Kế hoạch hóa KT quốc dân”, một thạc sĩ của “Khoa học quan hệ công chúng” tuyên bố công khai địa chỉ email của mình với lời hứa trang trọng: “Sẽ tạo môi trường minh bạch và kịp thời với giới truyền thông và người dân, sẽ kiểm tra hộp thư điện tử này mỗi ngày và nhanh chóng phản hồi thông tin mà người dân bức xúc về những tệ nhũng nhiễu của công chức địa phương cũng như những góp ý cần thiết nhằm chung tay xây dựng thành phố”.

Ông chủ tịch cũng tha thiết kêu gọi giới truyền thông cũng như người dân đừng ngần ngại gửi thư điện tử cho ông. Không phải không có những ý kiến lo ngại này nọ rằng với sự công khai hộp thư điện tử này, hộp thư sẽ quá tải, ông Thơ đã thẳng thừng nói: “Điều tôi sợ nhất là dân không thèm gửi email cho tôi. Còn nếu đó là hộp thơ vô cảm, nhận xong rồi bỏ đó thì có công khai bao nhiêu cũng vô ích”. Khi ông Thơ nói điều này thì ai cũng hiểu rằng: Thực tiễn ở Đà Nẵng trả lời tất cả.

Để kết thúc bài viết này tôi xin kể một câu chuyện rất thực tiễn cười ra… nước mắt. Đây là câu chuyện thực mà nghệ sĩ nhân dân Đào Mộng Long khi còn sống đã kể cho tôi nghe về thực chất của một hòm thơ “lắng nghe ý kiến người dân” ở một địa phương ở Hà Nội.

Cụ Đào Mộng Long trong một cuộc họp của các cụ hưu trí góp ý kiến cho lãnh đạo địa phương đã nói “ta góp ý làm gì có ai thèm nghe đâu”. Một cụ hỏi lại, sao cụ biết người ta không thèm nghe, cụ Long mới kể, vừa rồi buồn đời cụ viết một thư lên lãnh đạo địa phương thông báo là mình sẽ tự tử, ấy thế mà chả có vị nào ở địa phương tìm đến cụ để khuyên can. Điều đó chứng tỏ rằng bức “huyết thư” của cụ chả có ai đọc cả.
 
Lưu Trọng Văn


 
Quảng Cáo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire